Cuộc thi khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên năm 2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thể lệ cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020. Tại Đồng Nai, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản triển khai đến các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng tham dự Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm nay là học sinh, sinh viên đang học tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (gọi chung là cơ sở đào tạo); Học sinh các trường trung học phổ thông (THPT). Đặc biệt, Cuộc thi cũng khuyến khích học sinh các trường trung học cơ sở (THCS) tham dự.

Nghiên cứu xe tiết kiệm nhiên liệu tại trường đại học Lạc Hồng.

Các dự án khởi nghiệp tham dự Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 (SV_STARTUP-2020) hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội góp phần tạo sự đột phá đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Các lĩnh vực của cuộc thi bao gồm: Khoa học, công nghệ; Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, y tế; Dịch vụ, du lịch; Tài chính, ngân hàng; Kinh doanh tạo tác động xã hội…

Bài dự thi được trình bày bằng Tiếng Việt, đánh máy trên khổ A4, cỡ chữ 14, phông chữ Times New Roman, nội dung trình bày cụ thể, rõ ràng, mạch lạc. Sản phẩm gửi kèm bài dự thi gồm bản thuyết minh dự án được trình bày, thuyết trình của nhóm được trình bày bằng Video clip không quá 03 phút, sản phẩm mẫu gửi kèm theo bằng ảnh hoặc Video clip (nếu có).

Cuộc thi trải qua 5 vòng. Tại cơ sở, các trung tâm/bộ phận hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp lựa chọn tối đa 02 dự án đối với sinh viên tham dự vòng thi bán kết (các nhà trường có thể tổ chức các cuộc thi hoặc xét chọn hồ sơ) gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/10/2020.

Vòng bán kết là sau khi nhận được hồ sơ và bài dự thi của các cơ sở đào tạo, các sở GDĐT, từ ngày 16/10/2020 đến ngày 30/10/2020, Ban giám khảo chấm và lựa chọn 50 dự án của sinh viên các cơ sở đào tạo và 20 dự án của học sinh THCS, THPT có tính khả thi cao nhất vào vòng bình chọn và vòng thi chung kết. Các dự án đủ điểm loạt vào vòng bình chọn và vòng chung kết sẽ được hỗ trợ đào tạo, hoàn thiện ý tưởng.

Sau khi kết thúc Vòng đào tạo, 50 dự án của sinh viên các cơ sở đào tạo và 20 dự án của học sinh THCS, THPT sẽ hoàn thiện và nộp bài dự thi chính thức trên Cổng khởi nghiệp http://dean1665.vn để tham dự Vòng bình chọn, lấy ý kiến các cá nhân, nhà đầu tư trong nước và quốc tế và các thầy, cô giáo, các học sinh, sinh viên trong cả nước. Thời gian bình chọn từ ngày 01/12/2020 đến hết 12h00 ngày 06/12/2020.

Ký kết hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tại lễ phát động cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vòng chung kết Cuộc thi diễn ra từ ngày 18-19/12/2020, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Các đội tham dự Vòng chung kết sẽ tham gia trưng bày các sản phẩm, ý tưởng, dự án khởi nghiệp của đội tại các gian hàng theo các chủ đề được ban tổ chức bố trí tại Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia năm 2020.

Tại vòng Chung kết, sản phẩm dự thi trải qua 2 vòng trong đó ban giám khảo sẽ chấm và đánh giá các dự án trực tiếp tại các gian hàng trưng bày dự án, ý tưởng của học sinh, sinh viên theo các tiêu chí cụ thể đã quy định. Việc đánh giá các ý tưởng, dự án dựa trên các tiêu chí trên, lựa chọn 12 ý tưởng, dự án của học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và 07 ý tưởng, dự án của học sinh THCS, THPT có tính khả thi cao nhất để vào vòng cuối cùng. Tại vòng này, các đội dự thi có từ 03-05 phút trình bày bài dự thi và Ban Giám khảo sẽ có 10 phút để đặt câu hỏi.

Cơ cấu giải thưởng cuộc thi gồm: Đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên các cơ sở đào tạo 1 giải Nhất gồm: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT; tiền giải thưởng 60 triệu đồng tiền mặt; Gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai dự án với trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD. 2 giải Nhì gồm: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT; tiền giải thưởng 40 triệu đồng tiền mặt và cơ hội đầu tư từ các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.

Ngoài ra có 3 giải Ba gồm: Giấy chứng nhận đoạt giải Ba Cuộc thi của Bộ GDĐT; tiền giải thưởng 20 triệu đồng.

4 giải Khuyến khích: Giấy chứng nhận đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi của Bộ GDĐT; tiền giải thưởng 10 triệu đồng.

Đối với các dự án khởi nghiệp của học sinh THCS, THPT: 1 giải Nhất gồm: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT; tiền giải thưởng 30 triệu đồng; 2 giải Nhì gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT; tiền giải thưởng 20 triệu đồng; 3 giải Ba gồm: Giấy chứng nhận đoạt giải Ba Cuộc thi của Bộ GDĐT; cùng tiền giải thưởng 10 triệu đồng; 3 giải Khuyến khích gồm: Giấy chứng nhận đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi của Bộ GDĐT; tiền giải thưởng 05 triệu đồng.

Để tham gia cuộc thi, học sinh, sinh viên hoặc nhóm học sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo đăng ký dự thi theo đơn vị trường. Các học sinh hoặc nhóm học sinh THCS, THPT đăng ký dự thi theo đơn vị Sở Giáo dục và Đào tạo cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Bài thi hợp lệ là bài có đầy đủ các sản phẩm theo quy định trong thể lệ cuộc thi; đầy đủ thông tin liên hệ và không có tranh chấp về bản quyền. Thông tin liên hệ về cuộc thi: Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi: Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội. Ông Bùi Tiến Dũng, điện thoại: 0913 459 858; Email: btdung@moet.gov.vn.

Đỗ Quyên