Quản trị tài sản trí tuệ để xác lập xác lập quyền sở hữu trí tuệ

Trong xu thế phát triển và hội nhâp kinh tế như hiện nay, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh dù ít hay nhiều đều liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đây được xem như là một tài sản lớn, hữu ích. Đặc biệt là quyền SHTT liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, nó có ý nghĩa ngày càng lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của mỗi tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh.

Trung tâm Khoa học và Công nghệ Đồng Nai và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ ký kết ghi nhớ hợp tác về SHTT.

Tầm quan trọng của SHTT

Ông Nguyễn Văn Viện, Giám đốc Trung tâm KH&CN Đồng Nai cho biết, SHTT mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi thế, tuy nhiên hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, bán hàng… mà chưa quan tâm đến việc bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu; nhận thức về SHTT chưa đồng đều và đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thường mắc lỗi ở chọn tên gọi (nhãn hiệu) thuộc quyền của người khác, hoặc sản phẩm hoặc giải pháp kỹ thuật hoặc hình dáng của doanh nghiệp sản xuất không còn mới hoặc đã thuộc quyền sở hữu của người khác.

Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt đối với việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, hành động để thúc đẩy hoạt động này. Trong đó, không thể không kể đến Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ- TTg, với mục tiêu quan trọng đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT.

Theo TS.Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), quản trị tài sản trí tuệ là việc chủ sở hữu tài sản đó thực hiện các biện pháp kiểm soát đối với tài sản đó, với mục đích để tạo lập, bảo vệ, thương mại hóa và tạo ra giá trị. Hiện nay, hoạt động quản tri tài sản trí tuệ tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa được quan tâm một cách thích ứng. Chúng ta mới chỉ quan tâm đến một khía cạnh là xác lập quyền SHTT. Việc không thực hiện hoạt động quản trị tài sản trí tuệ sẽ gây ra lãng phí về đầu tư cho việc tạo dựng tài sản trí tuệ.

Trạm Khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ hỗ trợ được đặt trong khuôn viên Sở KH&CN Đồng Nai.

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và các Sở Khoa học và Công nghệ trong cả nước đều có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xác lập quyền sử hữu công nghiệp.

Khai thác hiệu quả thông tin SHTT

Theo các chuyên gia về SHTT, việc khai thác hiệu quả thông tin SHTT có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, quản lý tài sản trí tuệ; khai thác, sử dụng hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp, đặc biệt là các công nghệ/sáng chế.

TS.Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cho biết, Viện được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ xây dựng và vận hành nền tảng dữ liệu dịch vụ sở hữu công nghiệp phục vụ quản trị tài sản trí tuệ (hay còn gọi là nền tảng IPPlatform) nhằm hỗ trợ hoạt động quản trị tài sản trí tuệ cho các tổ chức, doanh nghiệp.

IPPlatform là nền tảng công cộng miễn phí, cho phép tất cả người dùng tra cứu thông tin về sở hữu công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ đăng kí sở hữu trí tuệ, cập nhật thông tin về tài sản trí tuệ, và đăng thông báo mua bán các tài sản trí tuệ trên sàn giao dịch. Nền tảng này tích hợp toàn bộ cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đồng thời có thêm cơ sở dữ liệu do người dùng tự cung cấp (được kiểm chứng) và liên kết với một số cơ sở dữ liệu từ Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và các cơ quan sáng chế Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Với nền tảng IPPlatform, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới khởi nghiệp sẽ chủ động, dễ dàng hơn khi tiếp cận thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ nghiên cứu và triển khai thương mại hóa tài sản trí tuệ khi tham gia thị trường khoa học và công nghệ, nhất là sáng chế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tự tra cứu, khai thác thông tin trên nền tảng dữ liệu và yêu cầu thực hiện các dịch vụ đồng bộ về sở hữu công nghiệp.

Thanh Cảnh