Phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số

Mới đây, ngày 10/6/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch Phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tỉnh Đồng Nai nhanh, bền vững, phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.142 doanh nghiệp công nghệ số, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/dân số của tỉnh hiện đang ở mức rất thấp (0,359). Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2020 thì DTI tỉnh Đồng Nai xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, kinh tế số xếp sạng 29 – giá trị trụ cột kinh tế số ở mức dưới trung bình.

Để nâng cao chỉ số DTI trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai tập trung từng bước phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số gồm: các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất; các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội; các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số.

Bên cạnh đó bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin phải đồng bộ với các nhiệm vụ đã được phê duyệt tại chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh đã ban hành. Đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời gắn với nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh của tỉnh.

Hội thảo thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2022

Theo kế hoạch, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới; 10 doanh nghiệp chuyển đổi số dang công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 8 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới và phấn đấu có trên 350 doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực, trong đó có các doanh nghiệp “Make in Vietnam” làm ra các sản phẩm công nghệ lõi, chủ lực trong chuyển đổi số, đô thị thông minh; có ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đáp ứng yêu cầu hỗ trợ xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, phát triển kinh tế số, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. Cùng với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký mới trong lĩnh vực công nghệ cung cấp các giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội.

Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Đồng Nai đã tích cực chuyển đổi số để phát triển

Các nhiệm vụ, giải pháp được tập trung thực hiện là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Xây dựng, hoàn thiện và triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách phát triển công nghệ số tại địa phương, trong đó khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về thủ tục tiếp cận, gia nhập thị trường. Định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh đổi mới cung cấp giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phát triển nền tảng công nghệ số dùng chung. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Chú trọng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

P.Hương