Nâng cao kiến thức và kỹ năng khởi sự kinh doanh cho thanh niên nông thôn

Tập huấn khởi nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh là 2 trong số những nội dung quan trọng được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai triển khai trong năm 2022. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất vừa và nhỏ đã trải qua 2 năm vừa duy trì sản xuất, vừa chống dịch Covid-19.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai tổ chức kết nối các sản phẩm khởi nghiệp vào hệ thống siêu thị.

Sau thời gian dài phòng, chống dịch Covid-19, năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai đã và đang triển khai chương trình tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho đối tượng là thanh niên, người có đam mê kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, năm 2022 sẽ có tổng cộng 5 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp và tăng cường khả năng kinh doanh tại các huyện như: Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán và Thống Nhất với bình quân mỗi lớp từ 30 đến 60 học viên.

Ông Lâm Quang Liêm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, xác định khởi sự kinh doanh là một trong những vấn đề quan trọng nên sau đại dịch, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức cho các tầng lớp thanh niên nông thôn.

Thanh niên nông thôn có nhiều lựa chọn để khởi nghiệp từ nông nghiệp.

Tại huyện Nhơn Trạch, hơn hơn 30 học viên là thanh niên, người dân trên địa bàn có niềm đam mê khởi nghiệp đã tham dự khóa tập huấn khởi sự doanh nghiệp do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai tổ chức. Tại đây, các kiến thức về quản trị doanh nghiệp, tăng cường khả năng kinh doanh, hay các xu hướng phát triển kinh doanh được giảng viên cập nhật và gửi đến các bạn trẻ trong 2 ngày học tập.

Có niềm đam mê khởi nghiệp từ sớm, thế nhưng đầu năm 2022, chị Trần Thị Huyền, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch mới thực hiện hóa đam mê của mình. Với gần 500m2 đất của gia đình, chị Huyền trồng hơn 200 gốc hồng theo hướng hữu cơ, đều đặn mỗi tháng chị thu hoạch bông và nụ để làm nước cất hoa hồng hữu cơ và trà hoa hồng phục vụ thị trường. Mỗi tháng chị chưng cất được khoảng 10 lít nước hoa hồng hữu cơ và 3kg trà hoa hồng. Thông qua khóa tập huấn khởi sự doanh nghiệp, chị cũng cập nhật thêm cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản để có sự chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp phía trước của mình.

“Thông qua các lớp tập huấn như thế này đã bổ trợ rất nhiều kiến thức cho những người muốn bắt tay vào khởi nghiệp và cả những người đang khởi nghiệp nhưng muốn phát triển mô hình ngày càng lớn mạnh”, chị Huyền chia sẻ.

Thông qua các lớp tập huấn, các hội thảo đã giúp thanh niên nông thôn có thêm nhiều kiến thức và tư duy về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Trường Sơn, giảng viên cao cấp SIYB-ILO, Giảng viên khóa học cho hay, qua các lớp tập huấn, chúng tôi tập trung vào các nội dung cốt lõi về khởi nghiệp, cung cấp những điều học viên cần một cách cơ bản nhất để bắt tay vào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Theo Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai Lâm Quang Liêm, các hoạt động tập huấn này nằm trong chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh, thúc đẩy chuyển đổi số do ngành công thương phụ trách.

Các kiến thức như Marketing sản phẩm, chiến lược cạnh tranh trong kinh doanh, chiến lược cạnh tranh sản phẩm… cũng được diễn giả gửi đến các nhà khởi nghiệp tương lai. Qua đó giúp họ có cái nhìn rộng hơn, bao quát hơn và sát thực hơn cho những bạn trẻ có y tưởng khởi nghiệp.

Những nội dung về xác định phạm vi và lợi thế cạnh canh, nghiên cứu khách hàng, nhu cầu của khách hàng là những vấn đề được các học viên quan tâm. Những sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu của khách hàng hay phát triển sản phẩm mới được các học viên, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ chú trọng hơn sau khóa học.

Minh Khôi