Nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 với mục tiêu: KHCN và ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.

Các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo

Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là: nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%. KHCN và ĐMST đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, gó phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Đến năm 2030, tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. KHCN và ĐMST góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước; đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI)… Chỉ số ĐMST toàn cầu không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới…

Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Cụ thể, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới. Phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành; trong đó các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và ĐMST.

Phát triển hệ thống các trung tâm ĐMST quốc gia, các trung tâm ĐMST ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết ĐMST với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu; triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới ĐMST mở nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp mới.

Tăng cường liên kết các mạng lưới ĐMST, mạng lưới khởi nghiệp ĐMST, các trung tâm ĐMST, các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và tăng cường đầu tư về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng, nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN và ĐMST thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ để trở thành các đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, ĐMST tại địa phương.

Thúc đẩy thu hút và dịch chuyển nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Trong ảnh: 1 trong những sản phẩm sáng tạo của sinh viên trường Đại học Lạc Hồng)

Đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác của Chiến lược là phát triển nguồn nhân lực KHCN và ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao.

Cụ thể Phát triển nguồn nhân lực KHCN và ĐMST có trình độ và năng lực sáng tạo cao sẽ tăng cường đào tạo kiến thức về khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực tin học, ngoại ngữ, rèn luyện năng lực thiết kế sáng tạo gắn với các dự án thực tế trong trường phổ thông, đặc biệt thông qua hình thức đào tạo STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học). Tăng cường định hướng nghề nghiệp và tư vấn theo đuổi khoa học, kỹ thuật và ngành kỹ thuật trong các trường học phổ thông và các trường đại học.

Chiến lược chỉ rõ việc thúc đẩy thu hút và dịch chuyển nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở rà soát, sửa đổi các quy định nhằm khuyến khích chuyển dịch nhân lực hai chiều giữa khu vực công và tư; có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động,… để thu hút nhân lực trình độ cao từ nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước; phát triển các mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; có chính sách đưa người Việt Nam vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc; tháo gỡ các chính sách để tạo thuận lợi cho các giảng viên, cán bộ nghiên cứu thường xuyên tham gia vào hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.

P.Hương