Hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 07/2022/TT-BGDĐT quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Không gian Trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp tại trường Đại học Lạc Hồng

Thông tư này áp dụng đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông); các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên (gọi chung là cơ sở giáo dục đại học).

Việc áp dụng Thông tư này bảo đảm phù hợp với nhận thức, trình độ và đáp ứng nhu cầu của người học đối với từng cấp học, trình độ đào tạo. Trong đó, đối với cấp tiểu học: nội dung mang tính nhận biết; đối với cấp trung học cơ sở: nội dung mang tính trải nghiệm; đối với cấp trung học phổ thông: nội dung mang tính thực hành và định hướng về nghề nghiệp; đối với trình độ đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm: nội dung tập trung vào phát triển nghề nghiệp, việc làm.

Về công tác hỗ trợ khởi nghiệp, đối với mỗi cấp học sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, cấp THCS sẽ thực hiện tuyên truyền, phổ biến cho học sinh các nội dung về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thông qua việc lồng ghép vào chương trình môn học, các hoạt động giáo dục, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông. Thực hiện giáo dục và hướng dẫn học sinh các kiến thức, kỹ năng như: công dân tích cực, nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ, tư duy thiết kế, tư duy tài chính thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và thông qua tài liệu do nhà trường cung cấp. Hướng dẫn, cung cấp học liệu và tạo môi trường để học sinh hình thành ý tưởng và được thực hành, trải nghiệm triển khai các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Phát triển các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để học sinh có môi trường hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Phối hợp với các đối tác tổ chức cho học sinh thực hành, trải nghiệm và triển khai các dự án khởi nghiệp.

Sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Đối với cấp trung học phổ thông thực hiện tuyên truyền, phổ biến cho học sinh các nội dung, hoạt động về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thông qua hoạt động đào tạo, hoạt động ngoại khóa, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông. Giáo dục, hướng dẫn học sinh hiểu và vận dụng các kiến thức, kỹ năng: Công dân tích cực, nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ, chuyển đổi số, tư duy thiết kế, kiến thức kinh doanh, quản lý tài chính, mô hình kinh doanh và giải pháp truyền thông; Hướng dẫn, cung cấp tài liệu, học liệu giúp học sinh hình thành các dự án khởi nghiệp; Bố trí cơ sở vật chất, nguồn lực, tạo môi trường giúp học sinh được trải nghiệm, thực hành, triển khai và phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp; Kết nối các dự án khởi nghiệp khả thi của học sinh với các đối tác, tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó xây dựng chương trình đào tạo, chuyên đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn. Giáo dục, nâng cao nhận thức, truyền thụ tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên thông qua triển khai “Tuần sinh hoạt công dân – Học sinh, sinh viên”. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên thông qua chương trình đào tạo, nghiên cứu tài liệu, hoạt động ngoại khóa, phương tiện công nghệ thông tin, hoạt động phối hợp với các đối tác. Hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp cho sinh viên thông qua hoạt động phối hợp với các đối tác; tổ chức cho sinh viên tham gia các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu thành tựu khoa học kỹ thuật, dự án khởi nghiệp.

Sinh viên Đại học Đồng Nai tham gia chương trình giao lưu với các chuyên gia về khởi nghiệp

Đối với cơ sở giáo dục đại học: Cung cấp cho sinh viên thông tin về các chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp; Ban hành các quy định cụ thể về chế độ, chính sách và định hướng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp gắn với các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học; Đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức rèn luyện cho sinh viên vận dụng các kiến thức, kỹ năng: Công dân tích cực, nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ, chuyển đổi số, tư duy thiết kế, kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp tinh gọn, tài chính doanh nghiệp, truyền thông, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, gọi vốn, quản trị doanh nghiệp và các kiến thức, kỹ năng đổi mới sáng tạo khác phù hợp với các nhóm ngành đào tạo; Bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, tạo môi trường và không gian chung hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; Xây dựng chương trình ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên hình thành, trải nghiệm, thực hành, hoàn thiện các dự án, ý tưởng khởi nghiệp; Tư vấn, hỗ trợ và kết nối các dự án khởi nghiệp của sinh viên với các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, các đối tác.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 8/7/2022.

P.H