BẢO HỘ SỞ HỮU TRÍ TUỆ, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM CHO CÁC STARTUP TẠI ĐỒNG NAI

Việc nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về việc tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, cũng như nâng cao giá trị cạnh tranh của các sản phẩm được sản xuất ở địa phương của các doanh nghiệp startup tại Đồng Nai là rất quan trọng, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế như hiện nay.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp thành lập lâu năm cũng như các doanh nghiệp non trẻ (startup) còn chưa nhận thức rõ ràng về mặt ý nghĩa giữa “xây dựng thương hiệu” và “đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”. Đăng ký nhãn hiệu là bước đi cần thiết về mặt luật pháp để hợp thức hóa và công nhận nhãn hiệu của một loại sản phẩm, hàng hóa nào đó. Song “xây dựng thương hiệu” đòi hỏi cả quá trình làm nên uy tín sản phẩm và uy tín doanh nghiệp, thường mất một thời gian dài với rất nhiều chi phí, trí tuệ, công sức… mới lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Đăng ký nhãn hiệu dễ, xây dựng thương hiệu mới là quá trình gian nan, thách thức.

Khi sản phẩm của doanh nghiệp startup được đăng ký nhãn hiệu, lợi ích đầu tiên có được là được pháp luật bảo vệ, giúp startup khẳng định quyền sở hữu của mình đối với sản phẩm. Khi có bất kỳ đối tượng nào có hành vi xâm phạm nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, bạn có quyền khởi kiện để được luật pháp Nhà nước bảo vệ. Thứ hai nữa là dễ dàng quảng bá thương hiệu sản phẩm, dễ dàng tạo được lòng tin về thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng. Và nhãn hiệu chính là cách thức giúp doanh nghiệp của bạn tạo ấn tượng và điểm nhấn về sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Dầu gội thảo dược Nhiên của công ty TNHH Calm (An Hòa, Thành phố Biên Hòa) là một sản phẩm khởi nghiệp cần được đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ (nguồn fb nhiencalm)

Theo chương trình khoa học – công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020 (chương trình 837), doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ các nội dung như: nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể trong nước, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ngoài nước, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích… Đối với đăng ký nhãn hiệu trong nước, mức hỗ trợ tối đa cho một doanh nghiệp là 13 triệu đồng/đối tượng sở hữu công nghiệp. Trong đó, tư vấn nghiên cứu thiết kế; hỗ trợ 100% lệ phí nộp đơn quốc gia cho mỗi nhãn hiệu hàng hóa đăng ký cho một sản phẩm. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 3 nhãn hiệu hàng hóa hoặc tối đa 1 nhãn hiệu hàng hóa cho 5 nhóm sản phẩm. Đối với nhãn hiệu hàng hóa đăng ký ngoài nước, mức hỗ trợ tối đa cho 1 nhãn hiệu tại một quốc gia là 15 triệu đồng…Để được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong nước phải có các sản phẩm nằm trong lợi thế cạnh tranh của tỉnh, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đối với các startup khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có mong muốn đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của doanh nghiệp mình có thể liên hệ đến Phòng Quản lý chuyên ngành – Sở Khoa học công nghệ Đồng Nai để được hướng dẫn và hỗ trợ.

Nguyễn Thị Hạnh.