Khởi nghiệp với côn trùng

Nuôi ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi hiện được thực hiện ở một số địa phương trong tỉnh

Tại Đồng Nai, nuôi côn trùng làm thức ăn chăn nuôi đã được một số hộ dân triển khai thực hiện, bước đầu cho hiệu quả nhất định, trong đó mô hình nuôi ruồi lính đen trở thành mô hình khởi nghiệp của nhiều thanh niên địa phương. Anh Nguyễn Thái Phong (27 tuổi, ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) là người tiên phong đưa nghề nuôi ruồi lính về vùng đất Nhơn Trạch. Sau gần 4 năm khởi nghiệp bằng mô hình này, trải qua không ít những khó khăn, thất bại, cho đến nay, sản phẩm từ trại ruồi lính đen đã được nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh biết đến, đơn hàng ngày càng nhiều và quy mô trại ruồi được anh Phong mở rộng ra trên 2 ngàn m2 và xây dựng thành công thương hiệu Larva Farm (trang trại ấu trùng) với các sản phẩm chính là: trứng ruồi, ấu trùng ruồi tươi, ấu trùng ruồi sấy khô. Dự kiến, trong thời gian tới, Larva Farm sẽ mở rộng nghiên cứu thêm một số sản phẩm khác như bột đạm từ ấu trùng ruồi, dầu từ quá trình ép bột đạm dùng để trộn trong phân bón hữu cơ; dịch thủy phân từ ấu trùng ruồi để làm phân bón lá (đặc biệt phù hợp cho các loại cây có múi)…Mô hình nuôi ruồi lính đen này cũng được một số hộ dân tại các địa phương khác trong tỉnh xây dựng và phát triển.

Sản phẩm từ trang trại nuôi ruồi lính đen 

Mô hình nuôi ruồi lính đen cũng là con đường khởi nghiệp mà anh Lương Văn Tuyền, (ngụ tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) lựa chọn sau nhiều lần học hỏi kỹ thuật. Ban đầu, anh xây dựng 1 trạng trại ruồi lính đen với 4002, với dự tính khả năng sản xuất 15 tấn ấu trùng/tháng. Hệ thống chuồng sản xuất giống được quây kín bằng lưới để ruồi sản xuất trứng và nhiều ô riêng để ấp trứng ruồi, nuôi ấu trùng và nhộng. Hiểu được nhu cầu sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi ngày càng phát triển trên thế giới và là một hướng đi có nhiều tiềm năng ở Việt Nam nhằm thay thế nguồn protein động vật và thực vật nên anh Tuyền đã mạnh dạn đầu tư theo hướng này, mặc dù ban đầu bắt tay vào công việc gặp không ít những khó khăn. Hiện nay, giá bán dao động 5-6 triệu/kg trứng, 10-15 ngàn đồng/kg ấu trùng trên thị trường. Nuôi ruồi lính đen sẽ giúp việc xử lý tốt các loại rác thải, sản phẩm, phụ thải trong sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, sử dụng ấu trùng ruồi làm thức ăn sẽ tạo ra những sản phẩm thân thiện, chất lượng, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và góp phần  bảo vệ môi trường hiện nay.

Làm thức ăn cho cá, gia cầm …

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, có thể sử dụng những sản phẩm chế biến từ côn trùng để bổ sung hoặc thay thế một phần hoặc hoàn toàn các nguồn nguyên liệu giàu protein truyền thống như bột cá, bột đậu tương trong khẩu phần ăn của gia cầm và lợn mà không ảnh hưởng hoặc cho kết quả tốt hơn về năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Để tăng cường hiệu quả sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi, cần lưu ý giảm tối đa một số nguy cơ liên quan đến an toàn vệ sinh về nhiễm khuẩn, độc tố, kim loại nặng trong quá trình nuôi, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm. Ở nước ta, cần tiếp tục đánh giá tiềm năng cũng như nghiên cứu về quy trình nuôi, chế biến và hiệu quả sử dụng một số loài côn trùng trên các đối tượng vật nuôi khác nhau để đưa ra khuyến cáo phù hợp trong thực tiễn sản xuất, nhằm tạo ra nguồn protein mới, an toàn, giá thành phù hợp phục vụ phát triển chăn nuôi bền vững. Côn trùng có thể được sử dụng ở dạng tươi sống hoặc qua chế biến làm thức ăn chăn nuôi. Một số dạng sản phẩm côn trùng được chế biến hiện nay như sấy đông khô, dạng bột khô hoặc đông đá. Chế biến sẽ giúp bảo quản côn trùng được lâu hơn và dễ sử dụng hơn. Sau khi thu hoạch côn trùng từ chất nền, cần tiến hành làm sạch để loại bỏ hết các chất thải bám vào chúng. Thông thường nhất là biện pháp sử dụng sàng để tách côn trùng ra khỏi chất nền. Các kết quả nghiên cứu với các loài côn trùng khác nhau cho thấy côn trùng là một nguồn thức ăn phù hợp, có nhiều tiềm năng đối với các loại gia cầm. Có thể sử dụng côn trùng để thay thế một phần hoặc toàn bộ bột cá, bột đậu tương trong khẩu phần của gia cầm mà không ảnh hưởng hoặc thậm chí cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn, giảm chi phí sản xuất và cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là đối với các nông hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.

Diệu Linh