Khởi nghiệp trên từ nông sản quê hương

Chuối là nông sản phổ biến chiếm số lượng lớn của nhiều địa phương tại Đồng Nai. Cũng do số lượng sản xuất lớn nên nhiều vụ mùa bà con nông dân phải chịu cảnh được mùa mất giá, bị thương lái ép bán…Từ thực trạng đó Cơ sở chuối sấy Cường Hoa tại huyện Thống Nhất được hình thành.. Cho đến nay, sản phẩm của cơ sở đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường và đang tiếp tục được mở rộng ra thêm nữa.

Đại diện cơ sở chuối sấy Cường Hoa, chị Bùi Thị Nguyệt Thùy phân tích, theo số liệu của Cục thống kê, đến cuối 2020, toàn tỉnh có khoảng 10.600 ha đất trồng chuối, trong đó, huyện Trảng 3.600 ha, huyện Thống Nhất 3.500 ha, huyện Định Quán 700 ha, huyện Xuân Lộc 500 ha và rải rác ở các địa phương khác trong tỉnh. Tuy vậy, người dân trồng chuối trên địa bàn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm, kể cả có một số vùng trồng chuối có quy mô xuất khẩu, do tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động xuất khẩu đều phải ngưng trệ. Xuất phát từ nghề gia truyền nhiều đời, Cơ sở sản xuất rau củ quả Cường Hoa đã lớn mạnh từ hộ sản xuất sản xuất chuối phơi, lên hộ sản xuất chuối sấy và hình thành cơ sở sản xuất rau củ quả như hiện nay và là một trong những đơn vị góp phần gia tăng giá trị sản xuất chế biến nông sản địa phương.

Sản phẩm cơ sở Cường Hoa tham gia ngày hội KHCN Đồng Nai

Theo chị Bùi Thị Nguyệt Thùy, chủ cơ sở sản xuất rau, cử, quả sấy Cường Hoa cho biết, nhận thấy tiềm năng lớn của sản phẩm chuối ngay trên địa bàn huyện Thống Nhất cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh, chúng tôi đã bắt tay gây dựng cơ sở chuối sấy Cường Hoa, phát triển các sản phẩm đa dạng theo nhu cầu và thị hiếu khách hàng, đến nay, cơ sở chủ yếu sản xuất các dòng sản phẩm chính như: chuối sấy giòn mè, chuối sấy dẻo, chuối ép dẻo, snack chuối tẩm phô mai. Cũng theo chị Thùy, điểm nổi bật trong sản phẩm chuối Cường Hoa là chúng tôi ứng dụng công nghệ hiện đại trong các khâu sản xuất, đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, sản phẩm Cường Hoa đạt chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Từ năm 2018 trở về trước, Cơ sở Cường Hoa luôn phải dùng lò sấy bằng than giống như nhiều cơ sở sấy hiện nay vẫn đang phải sử dụng, thế nhưng, cách sấy bằng than cho ra chất lượng sản phẩm không đồng đều, tốn nhân công cho quá trình đảo sấy sản phẩm thì đến nay, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm khuyến công, cơ sở đã đầu tư toàn bộ giàn sấy bằng điện, bếp chiên điện. Các công đoạn sơ chế sản phẩm khác như làm sạch, sơ chế vỏ, thái mỏng, đóng gói, tẩm gia vị…đều được ứng dụng máy móc để thực hiện. Chính việc đầu tư máy móc công nghệ là yếu tố giúp cơ sở có thể cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại tại địa phương trong khi đa số các cơ sở khác vẫn đang tiến hành sấy, chiên sản phẩm bằng bếp củi, rất khó để kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh việc đầu tư công nghệ cho các công đoạn sản xuất, cơ sở Cường Hoa cũng rất quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm, hình thành hệ thống của hàng online cũng như ofline-một mắt xích quan trọng trong hệ thống liên kết sản xuất bền vững. Theo chị Bùi Thị Nguyệt Thùy, hiện Cơ sở có 5 cửa hàng chính, 200 đại lý và cửa hàng online ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, cơ sở cũng nhận rất nhiều đơn hàng xuất khẩu trong thời gian vừa qua. Nếu như từ trước đến nay cơ sở Cường Hoa luôn tập trung cho các đơn hàng sỉ, tuy nhiên trong 2 năm nay, theo chị Thùy hiện cơ sở cũng tập trung cho việc xây dựng các kênh bán lẻ, đầu tư cho việc xây dựng nhãn mác, bao bì để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Dự án sản xuất theo chuỗi của Cường Hoa đạt giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp Đởi mới sáng tạo

“Nếu như từ trước đến nay, cơ sở Cường Hoa chúng tôi chú trọng nhiều đến vấn đề chất lượng sản phẩm, năng suất sản xuất…thì đến nay, chúng tôi quan tâm thêm đến vấn liên kết với nông dân địa phương để có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn. Chính vì vậy, với công suất 150 tấn chuối xanh/tháng, chúng tôi vẫn luôn đầy đủ nguồn hàng để sản xuất”- chị Nguyệt Thùy cho biết thêm.

Nguồn nguyên liệu chủ động, công nghệ sản xuất được đầu tư, hệ thống đầu ra được chăm chút, thế nên trong những năm gần đây, doanh thu của cơ sở luôn ổn định. Hiện giá bán lẻ cho mỗi ký sản phẩm từ 55 ngàn đồng đến 75 ngàn đồng tùy loại. Thông tin từ cơ sở cho biết, trong 3 năm qua, tổng doanh thu của toàn cơ sở trên 180 tỷ trong đó tổng chi phí cho các hoạt động sản xuất là gần 170 tỷ.

Mục tiêu lớn nhất mà dự án “Chế biến các sản phẩm từ chuối theo chuỗi liên kết bền vững” mà cơ sở Cường Hoa đang xây dựng là góp phần tiêu thụ nông sản địa phương, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm từ chuối, nâng cao giá trị cho cây chuối góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương và gia tăng lợi nhuận cho hoạt động sản xuất, chế biến nông sản.

Trong tương lai, chúng tôi mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các dòng sản phẩm và đặc biệt tạo được mối liên kết hợp tác chặt chẽ cùng người dân trồng chuối tại các địa phương trong và ngoài huyện Thống Nhất để hình thành mối liên kết sản xuất bền vững lâu dài.

Ngọc Vy