Khởi nghiệp trên quê hương

Khởi nghiệp ở các thành phố lớn đang thu hút giới trẻ hiện nay bằng các loại hình kinh doanh, sáng tạo, công nghệ. Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng có không ít người ở lại quê hương, tìm cách bứt phá cho con đường lập nghiệp của mình, tận dụng các điều kiện, lợi thế của tự nhiên để vươn lên làm giàu và gây dựng cho mình một con đường làm ăn, hướng tới phát triển bền vững, lâu dài. Chị Nguyễn Thị Tú Trinh, đại diện cơ sở nuôi ong Vân Phong (ấp 4, xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ) là một người như thế.

Ong nuôi nhờ vào nguồn thức ăn tự nhiên

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện tràn lan nhiều loại mật ong, trong đó được giới thiệu ong rừng, ong nuôi, ong tự nhiên rất đa dạng, phong phú. Trước thực trạng đó cùng với sự xuất hiện nhiều loại mật ong giả, mật kém chất lượng làm cho người tiêu dùng mất niềm tin vào mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao, chị Nguyễn Thị Tú Trinh, đã giành nhiều tâm huyết để hình thành và phát triển cơ sở nuôi ong. Qua việc học hỏi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức từ nhiều kênh khác nhau, đến nay cơ sở đã đi vào hoạt động ổn định, cho ra đời những sản phẩm mật ong chất lượng, được người tiêu dùng trên địa bàn đón nhận tích cực.

Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện trên địa bàn xã Thừa Đức và huyện Cẩm Mỹ chưa có cơ sở nuôi ong nào có thương hiệu nổi trội. Do vậy, khi sản phẩm mật ong của Vân Phong ra thị trường được người tiêu dùng hưởng ứng. So với các sản phẩm mặt ong nuôi xuất hiện trên thị trường hiện nay, sản phẩm mật ong Vân Phong có chất lượng nổi trội khi được nuôi ong theo cách thức tự nhiên, ong hút mật hoa thiên nhiên; nhân lực của cơ sở cũng chịu khó học hỏi, cập nhật kiến thức và đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi và phát triển đàn ong; giá thành sản phẩm giao động từ 80-120 ngàn đồng/lít. Tuy vậy, do cơ sở mới trong giai đoạn đầu gây dựng và phát triển nên thương hiệu của cơ sở chưa được nhiều khách hàng biết đến. Cơ sở cũng hạn chế ở khâu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong quá trình nuôi. Để phát triển các kênh bán hàng phù hợp với thời đại công nghệ mới, Vân Phong đã lập các trang mạng xã hội, kết nối zalo, face book, đăng thông tin vào các quá trình hội nhóm để tiếp cận các nhóm khách hàng khác nhau. Để nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm, chị Tú Trinh cũng cho biết, hiện sản phẩm mật ong nuôi tự nhiên Vân Phong đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm của tỉnh Đồng Nai.

Tuy vậy việc nuôi ong tự nhiên cũng có rất nhiều rủi ro, trong đó Việc nuôi ong tự nhiên phụ thuộc rất nhiều vào khí hậu, trong khi hiện nay biến đổi khí hậu đang là một trở ngại với những người nuôi ong.

Dự án tham gia thi khởi nghiệp 

 Do ô nhiễm môi trường nước và phun các loại thuốc hóa chất lên hoa màu làm một phần lớn số lượng ong đi lấy mật bị nhiễm độc mà chết. Ngoài ra nhiều thách thức với nghề nuôi ong mật do biến đổi khí hậu, mưa nhiều nắng lắm nên sản lượng mật ong giảm. Ngoài ra, do chạy theo số lượng nên việc nuôi và kinh doanh ong mật trên thị trường đang làm giảm chất lượng mật ong, ảnh hưởng đến việc tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu.

Hiện nay, đối với người tiêu dùng, quan niệm mật ong nuôi là mật ong pha đường, chất lượng kém, không tốt cho sức khỏe …nên ảnh hưởng không nhỏ đến đầu ra. Tuy nhiên trên thực tế, việc nuôi ong theo phương pháp tự nhiên cũng cho ra sản phẩm mật ong nguyên chất, đảm bảo dinh dưỡng và chất lượng.

Để khắc phục những khó khăn đó, cơ sở Vân Phong chủ trương Xây dựng lợi thế cạnh tranh sản phẩm khác biệt từng chủng loại sản phẩm để thu hút sự quan tâm khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh lâu dài. Tham gia Câu lạc bộ “Những người nuôi ong sạch”, hợp tác xã nuôi ong để học hỏi thêm kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc đàn ong.

Ngọc Vy