HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công: liên kết để cùng nhau phát triển

Liên kết trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là yêu cầu cấp thiết và quan trọng góp phần nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Xuất phát từ những khó khăn của bà con nông dân trong quá trình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là ngành tôm tại huyện Nhơn Trạch như: năng suất nuôi trồng thấp, thiếu vốn, thiếu nguồn nguyên liệu, môi trường nuôi, dịch bệnh, khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, …. Từ thực tế đó, đòi hỏi người nuôi tôm phải hợp tác lại để tập hợp được nguồn lực về tài chính, đất đai, con người, kỹ thuật nuôi trồng, tiếp cận những tiến bộ trong lĩnh vực nuôi tôm, tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào, thức ăn, con giống, cũng như mở ra các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm đầu ra của quá trình sản xuất và nuôi tôm. Và cũng từ đây HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công (huyện Nhơn Trạch) ra đời do ông Nguyễn Huy Bình làm Giám đốc để hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp và vươn lên làm giàu cho thanh niên và bà con nông dân trong khu vực.

Ông Nguyễn Huy Bình bén duyên với vùng đất xã Phước An, huyện Nhơn Trạch trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông từng là một cán bộ ngành nông nghiệp của xã, năm 2014, ông Bình quyết định xin nghỉ về nhà nuôi tôm. Ban đầu, ông đào ao nuôi tôm theo cách truyền thống là nuôi tôm thẻ ao đất. Do chưa tiếp cận khoa học kỹ thuật và cũng không có nhiều kinh nghiệm nên đa phần ông cũng như bà con nuôi tôm đều thất bại. Đến năm 2017, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu và tham quan mô hình nuôi tôm thẻ thành công trong và ngoài tỉnh Đồng Nai, ông Bình đã chuyển sang nuôi tôm thẻ ao lót bạt và đầu tư máy móc thiết bị trên ao đi theo hướng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao nhiều giai đoạn. Với mô hình giúp người nuôi kiểm soát được mật độ nuôi (từ 150 đến 300 con m2) tùy mùa vụ, tỷ lệ hao hụt, chất lượng của nguồn nước cấp vào, thức ăn và xả thải môi trường ao nuôi. Để tạo nên sản lượng lớn, dễ dàng ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp ông cùng bà con nuôi tôm hợp tác liên kết lại thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công có 8 thành viên, tổng số vốn điều lệ 15 tỷ với tổng diện tích 18ha (có 6,6 ha nuôi với 39 ao nuôi) còn lại là ao lắng.

Nhân viên kỹ thuật công ty Elanco đang hướng dẫn theo dõi và chăm sóc tôm tại ao

HTX DV NN Thủy sản Thành Công được Công ty Elanco hỗ trợ và triển khai mô hình tại ao mô hình nuôi tôm Elanco Demo Farm. Đây là quy trình nuôi tôm bền vững an toàn sinh học, vi sinh và dinh dưỡng. Trong đó, quy trình an toàn sinh học được chú trọng hơn nhiều các mô hình khác giúp tăng tỉ lệ thành công, kết hợp với các sản phẩm sát trùng trang trại, thiết bị cũng như làm sạch nguồn nước cấp. Và điểm đặc trưng nhất của Elanco Demo Farm là việc đưa vào áp dụng công nghệ hiện đại 4.0 vào trong quản lý, theo dõi ao nuôi tôm, giúp cho việc đánh giá chuẩn xác hơn, quản lý bài bản hơn và hỗ trợ người nuôi ra quyết định phù hợp hơn. Với mô hình nuôi tôm Elanco Demo Farm kết quả đạt được sau 97 ngày nuôi (cho 04 ao mỗi ao diện tích 800m2) với tổng sản lượng 16.700 kg, size 35-37 giá 170.000 đồng/kg  (giá thời điểm tháng 3/2021), FCR 1.34, lợi nhuận 1 tỷ đồng.

Ông Bình cho biết về những khó khăn mà hiện nay HTX đang gặp phải: Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 giá tôm thẻ giảm sâu size 40con kg chỉ còn 125.000 đồng/kg (giá giảm từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg so với trước đây), đồng thời đầu ra sản phẩm lại khó khăn, hiện HTX còn tồn đọng trên 50 tấn tôm thịt chưa tìm được đầu ra.

Ông Bình chia sẻ: “Ban đầu tuy khó khăn là vậy HTX chúng tôi tận dụng phát huy thế mạnh của vùng đất xã Phước An có điều kiện tự nhiên phù hợp với nuôi tôm  thể có giá trị kinh tế cao, tôi đã đầu tư thêm đất, rồi dần phát triển mở rộng được hơn 3ha đất nuôi tôm, sau đó cùng với bà con trên địa bàn xã hợp tác thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công để liên kết làm ăn, phát triển kinh tế. Tôi được tín nhiệm bầu làm Giám đốc hợp tác xã”.

Trong vai trò là Giám đốc hợp tác xã, ông Bình lãnh đạo điều hành hoạt động của hợp tác xã rất hiệu quả, lập kế hoạch phát triển hàng năm và đưa ra các giải pháp phù hợp trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống các xã viên. Hiện nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công là một trong số ít hợp tác xã ở huyện Nhơn Trạch ăn nên làm ra, khi thu lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm từ việc nuôi tôm sạch. Thời gian qua, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc sử dụng sản phẩm vi sinh trong nuôi trồng. Các thành viên HTX được dự tập huấn về quy trình nuôi tôm theo các tiêu chuẩn tiên tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm.

Hiện nay, với sản lượng vượt trội, tỷ lệ thành công cao đang khiến cho diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tăng nhanh. Từ đó đã tạo ra bước đột phá mới, mở ra nhiều triển vọng cho ngành thủy sản. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi người nuôi tôm phải có kỹ thuật cao, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật thường xuyên, liên tục để đảm bảo thành công trong sản xuất.

Theo ông Bình việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm là con dao hai lưỡi, chỉ mang lại cái lợi trước mắt nhưng để lại hậu quả cho môi trường nuôi và không an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ đánh mất thị phần thị trường. Nói không với kháng sinh, nuôi tôm sạch trước tiên là tự bảo vệ mình, bởi giảm được chi phí và hiệu quả bền vững. Hợp tác xã đang nhờ các cơ quan chức năng hổ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho đầu ra tốt hơn giúp cho các thành viên rất an tâm, tập trung chăm sóc tốt đàn tôm để đạt năng suất cao.

Ông Bình cho rằng trong xu thế thị trường hiện nay, các thành viên hợp tác xã đều nhận thức chỉ có nuôi tôm sạch và liên kết với doanh nghiệp mới có sản phẩm đạt chất lượng, đầu ra ổn định. Hiện nay, hầu hết xã viên đều chịu khó học hỏi, thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, tọa đàm nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi tôm. Ý thức của người nuôi tôm đã được nâng lên, bà con đã tuân thủ quy trình nuôi tôm sạch và thực hiện quy trình cải tạo ao nuôi do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Thực hiện đầy đủ nhật ký ghi chép thả giống, cho ăn, dịch bệnh, vốn, kỹ thuật và giống tôm thả nuôi.

N.T.H