Dự án khởi nghiệp tiềm năng của sinh viên

Vừa qua, một nhóm sinh viên Khoa Công nghệ và Kiến trúc – Trường Đại học Lâm Nghiệp Phân hiệu Trảng Bom – Đồng Nai đã thực hiện thành công Dự án khởi nghiệp “Gỗ biến tính cho kiến trúc cảnh quan”. Sản phẩm của dự án góp thêm cho ngành kiến trúc cảnh quan ngoài trời những sản phẩm gỗ chất lượng, có khả năng kháng nước và ổn định về kích thước trong điều kiện thiên nhiên như như: mưa, nắng, mối mọt…

Sản phẩm của dự án 

Sinh viên Ngô Nguyễn Phát Đạt, thành viên nhóm thực hiện dự án cho biết, xuất phát từ thực trạng các loại gỗ tự nhiên, đặc biệt là các loại gỗ quý hiện nay đang dần khan hiếm, cạn kiệt và giá thành cực kỳ cao trong khi nhu cầu về nguồn gỗ cho các ngành nội ngoại thất của xã hội ngày càng cao, đó là lý do chính để nhóm đưa ra ý tưởng nghiên cứu một sản phẩm có thể thay thế gỗ tự nhiên mà có chất lượng tương đương hoặc có các chất lượng vượt trội mà giá thành lại rẻ hơn so với gỗ thông thường, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như kiến trúc, xây dựng, các vật dụng ngoại thất như: bàn ghế, vật trang trí cảnh quan ngoài trời.

Hiện nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện có rất nhiều công nghệ có thể biến tính gỗ như: biến tính bằng hơi nước, biến tính bằng phương pháp hóa học…Qua việc nghiên cứu, học hỏi từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhóm nghiên cứu đã tìm ra công nghệ biến tính nhiệt bằng dầu thực vật.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, nguyên liệu chính để tạo nên sản phẩm gỗ biến tính là các loại gỗ rừng trồng có giá trị thấp như: Tràm, cao su, điều, thông…và dầu thực vật đã qua sử dụng. Để thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã dùng gỗ tự nhiên của hộ dân tại địa phương và nguồn dầu ăn đã qua sử dụng tại các nhà hàng, quán ăn. Dự tính khi phát triển dự án thêm nữa thì sẽ hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất mì gói hoặc khoai tây chiên để có lượng dầu ổn định. Gỗ được biến tính trong khoảng thời gian từ 2-12 giờ đồng hồ (nhanh hơn các phương pháp biến tính thông thường hiện nay), ở nhiệt độ độ từ 1100c đến 2400c. Sau khi gỗ biến tính, trên bề mặt sẽ có dư một lượng dầu thì nhóm nghiên cứu sẽ xử lý bằng phương pháp hút chân không. Quá trình biến tính gỗ, nhóm nghiên cứu sử dụng điện năng thay cho các nguồn năng lượng như củi, than đá…để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Gỗ được xử lý để dùng cho ngoại cảnh, chống nước và các điều kiện thiên nhiên 

Tính toán về lợi ích của doanh nghiệp khi sử dụng sản phẩm gỗ biến tính của dự án, sinh viên Ngô Nguyễn Phát Đạt cho biết, với diện tích nhà xưởng khoảng 500m2, mỗi năm đạt được sản lượng khoảng 13.500m3, doanh thu tương đương khoảng 255 tỷ. Khách hàng tiềm năng của dự án là các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới; Các doanh nghiệp sản xuất trong ngành chế biến gỗ và các công trình kiến trúc.

Tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2022, Dự án khởi nghiệp “Gỗ biến tính cho kiến trúc cảnh quan” là một trong 5 dự án xuất sắc giành được giải thưởng của cuộc thi. Trong đó, ngay sau khi vượt qua vòng thử thách, nhóm thực hiện dự án đã được các Mentor hỗ trợ hoàn thiện dự án: Hướng dẫn thực hiện bài thuyết trình sinh động, hấp dẫn, thuyết phục…

Theo Ngô Nguyễn Phát Đạt, giải thưởng cuộc thi giúp cho nhóm có thêm động lực và niềm tin để tiếp tục nghiên cứu, phát triển dự án. Về tương lai xa hơn, nhóm mong muốn sản phẩm gỗ biến tính sẽ đóng góp được cho ngành gỗ những sản phẩm chất lượng, mở rộng nghiên cứu, mở rộng thị trường. Nhóm dự án cũng mong muốn, thông qua cuộc thi dự án có thêm cơ hội để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội để tiếp cận với các nhà đầu tư, tạo ra xu hướng vật liêu xanh thân thiện với môi trường. Hiện sản phẩm mẫu của Dự án được Công ty cổ phần sản phẩm TANHATAY (Khu Dịch Vụ Tân Cảng – Long Bình, Đường Phan Đăng Lưu, KP.7, P.Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đặt và trưng làm sản phâm mẫu.

T.Quế