Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, song nhiều hoạt động khuyến công được triển khai từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã phần nào giúp các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất, kinh doanh ổn định.

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời để vực dậy sản xuất.

Tại Đồng Nai, công nghiệp nông thôn tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tuy nhiên, công nghiệp nông thôn, trong đó các ngành tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Các chính sách từ chương trình khuyến công như: Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến… đã và đang góp phần nhỏ giúp các cơ sở ổn định sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Điều này thể hiện sự quan tâm của tỉnh trong việc thực thi chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Thành lập và đi vào hoạt động 30 năm nay, Công ty TNHH Tam Hiệp Thành (tiền thân là một cơ sở đúc gang trong làng nghề đúc gang truyền thống), xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu đã dần có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Các dòng sản phẩm chính của Tam Hiệp Thành được làm chủ yếu  từ gang xám, loại nguyên liệu rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam làm được. Hầu hết các sản phẩm của Tam Hiệp Thành sản xuất là thiết bị, phụ tùng phục vụ ngành nước. Năm 2020 vừa qua, tuy chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, song doanh nghiệp vẫn nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh nhằm đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó giám đốc Công ty TNHH Tam Hiệp Thành, cho biết với sự hỗ trợ từ nhà nước và sự đồng lòng của người lao động đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giữ thị trường, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Các sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu qua những thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan (TQ). Theo đó, để sản phẩm đến được với những thị trường này, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp như đầu tư, cải tiến mẫu mã; ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khách hàng thì doanh nghiệp còn nhận được sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời và hiệu quả từ các chính sách khuyến công của tỉnh.

Hiện nay, 85% sản phẩm của doanh nghiệp là phục vụ thị trường xuất khẩu, chỉ có 15% sản phẩm là tiêu thụ trong nước. Chủ doanh nghiệp cũng đang đặt mục tiêu trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp hỗ trợ. Để làm được điều này, năm 2021, Tam Hiệp Thành quyết định đầu tư máy phân tích quang phổ, một thiết bị không thể thiếu trong ngành thép để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm của mình. Không chỉ sản xuất các mặt hàng từ gang mà doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm từ thép, điều mà nhiều đối tác đang rất cần. Việc đầu tư máy phân tích quang phổ sẽ giúp doanh nghiệp làm phong phú hơn các sản phẩm của mình, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng đang hoàn thiện hồ sơ để tham gia đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai trong năm 2021.

Nhiều cơ sở sản xuất đã rất nhạy bén để thích ứng với giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Hiện nay, Công ty TNHH Tam Hiệp Thành đang giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động với mức thu nhập từ 7 đến 20 triệu đồng/người/tháng tùy vào tay nghề và thời gian công tác. Nhiều lao động của doanh nghiệp cũng được tuyên dương là thợ giỏi. Sản phẩm gang đúc phụ tùng ô-tô và chi tiết máy của Tam Hiệp Thành đã được tỉnh Đồng Nai bình chọn là “sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Các chính sách khuyến khích cần sớm đến với doanh nghiệp

Phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn mà còn kéo theo sự phát triển của một số ngành dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, các các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn để duy trì và phát triển như: vốn đầu tư, mặt bằng sản xuất, xử lý môi trường, thị trường. Chính vì vậy, các chính sách về khuyến khích phát triển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp cần sớm đến được với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ trên địa bàn.

Sau nhiều năm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, năm 2018, sản phẩm Dao Tubi của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại cơ khí Phát Triển, xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu quốc gia. Với việc được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, sản phẩm của công ty cơ khí Phát Triển đã được nhiều người biết đến hơn. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn nhiều so với trước đây.

Ông Trần Đình Kiên, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM cơ khí Phát Triển cho biết, là một doanh nghiệp nhỏ, số lượng lao động còn khiêm tốn, lại hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác, các sản phẩm của cơ khí phát triển có được niềm tin của khách hàng như ngày nay phải kể đến yếu tố chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm như Lưỡi cưa, Mũi khoan, Dao Tubi, Dao Router của công ty được các doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ ở Đồng Nai và Bình Dương sử dụng nhiều năm nay.

Năm 2020 vừa qua, không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thế nhưng Cơ khi Phát Triển vẫn nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng truyền thống qua những đơn hàng đều đặn, từ đó ổn định công ăn việc làm cho người lao động của công ty.

Nhằm tạo tiền đề để phát triển trong những năm tới, chủ doanh nghiệp mong muốn tiếp tục nhận được những hỗ trợ thiết thực từ chính sách khuyến công của tỉnh như đào tạo nghề, xét tặng nghệ nhân thợ giỏi và hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất… Hiện Công ty TNHH SX-TM cơ khí Phát Triển đang giải quyết việc làm cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7 đến 12 triệu đồng/người/tháng.

Minh Thư