Chọn nghề nuôi ong để khởi nghiệp

Sau khi lập gia đình, chị Trần Thị Hồng Nhung (xã Phú Lập, huyện Tân Phú) chọn nghề gốc của gia đình chồng – nghề nuôi ong lấy mật để khởi nghiệp. Để chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm, năm 2016 vợ chồng chị Nhung thành lập Cơ sở mật ong Vương Phát.

Huyện Tân Phú là vùng đất đồi núi, khí hậu ôn hòa, có tiềm năng phát triển kinh tế về nông nghiệp, trồng rừng… Do đó, người nông dân địa phương đã tập trung phát triển thành vùng trồng cây ăn trái, cây công nghiệp với nhiều loại như: quýt, cam, bưởi, nhãn, sầu riêng, cà phê, tràm… Bên cạnh đó, Tân Phú được thiên nhiên ưu đãi có Vườn Quốc gia Cát Tiên với nhiều loại động vật, thực vật và các cây dược liệu quý hiếm sinh sống ít nơi nào có được. Với nhiều loại cây đa dạng với nguồn hoa dồi dào, đây là nguồn nguyên liệu lợi thế cho nghề chăn nuôi ong. Nắm bắt được lợi thế, điều kiện phát triển của địa phương, thay vì nuôi, trồng phát triển các loại cây nông, công nghiệp như các người dân khác, với nghề chăn nuôi ong truyền thống của gia đình, chị Nhung đã mạnh dạn đi đầu trong phát triển nghề chăn nuôi ong lấy mật.

Nghề nuôi ong vốn đã rất vất vả, để có nguồn mật sạch vợ chồng chị Nhung quanh năm bôn ba đưa đàn ong đi theo mùa hoa và thường chọn những vùng rừng sâu, heo hút. Nhưng khó khăn nhất với người nuôi ong là tìm được đầu ra ổn định, muốn vậy phải chủ động được trong khâu tiêu thụ. Với mục tiêu có thể tự bán ra thị trường sản phẩm mật ong do mình sản xuất với giá tốt nhất, thời gian đầu chị Nhung đứng ra làm đại lý thu mua mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa cung cấp cho các công ty xuất khẩu.

Cơ sở mật ong Vương Phát thành lập vào năm 2016 thì ngay năm sau đó ngành nuôi ong đối mặt với cơn khủng hoảng lớn. Thị trường xuất khẩu mật ong bị đình trệ vì gặp vấn đề về chất lượng. Chưa bao giờ giá mật ong lại giảm thấp và đầu ra  bấp bênh đến vậy. Khi thị trường xuất khẩu mật ong gặp nhiều khó khăn, vợ chồng chị Nhung đã đầu tư nhãn hàng riêng, quảng bá thương hiệu,  xây dựng quy trình đóng gói, làm mẫu mã… để giới thiệu dòng mật đặc sản miền núi đến tay người tiêu dùng nội địa. Không chỉ cung cấp sản phẩm mật, phấn hoa, sữa chúa, Cơ sở Vương Phát còn làm thêm dòng sản phẩm chế biến như: nghệ mật ong, chanh đào ngâm mật ong, gừng ngâm mật ong…

Quy trình chiết rót, đóng chai tại cơ sở Vương Phát

Với bản tính năng động, sẵn sàng thử nghiệm cái mới, vợ chồng chị Nhung không chỉ phân phối sản phẩm vào hệ thống các nhà thuốc, các cửa hàng, đại lý bán lẻ mà còn phát triển mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Chị Nhung cũng tích cực tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 do Đồng Nai tổ chức, sản phẩm của cơ sở được chọn giới thiệu tại gian hàng chung trưng bày các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai. Năm 2021, kết quả đánh giá các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, sản phẩm mật ong của cơ sở Vương Phát đạt hạng 3 sao.

Với phương châm chất lượng được ưu tiên hàng đầu, cơ sở Vương Phát đã đầu tư các trang thiết bị máy móc hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quy trình sản xuất mật ong và các sản phẩm từ mật ong. Sản phẩm luôn được kiểm tra chất lượng hàng năm theo quy định, đến nay sản phẩm đã được cung cấp và tiêu thụ rộng rãi trong toàn tỉnh và một số tỉnh như: TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Ninh Bình.

Từ bắt đầu với 100 đàn ong, đến nay vợ chồng chị Nhung đã phát triển trên 1500 đàn ong, hỗ trợ 25 hộ nuôi ong hướng dẫn nắm bắt kỹ thuật nuôi để tạo được đàn ong khỏe, đẹp cho năng suất mật cao, chất lượng tốt để làm nguồn liên kết chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên liệu cung cấp cho cơ sở Vương Phát góp phần thúc đẩy nghề nuôi ong trên địa bàn huyện Tân Phú.

Kim Ngân